Lượt xem: 895

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX. Năm 2021, kỷ niệm tròn 110 năm ngày Người ra đi không chỉ tìm đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam, mà còn mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no của dân tộc Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến độ xã hội. Tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.

    Năm 1908 xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc đời học sinh Nguyễn Tất Thành ở Trường Quốc học Huế. Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa trong cuộc đời người thanh niên yêu nước để từ đó tiếp nối những hoạt động cách mạng tiếp theo. Sự kiện đó, ông Nguyễn Sinh Sắc bị khiển trách, Nguyễn Tất Thành bị “mật vụ” theo dõi nhưng vẫn được tiếp tục học. Tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành thôi học ở Trường Quốc học Huế theo cha vào Bình Định khi ông Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê. Là người vốn tính cương trực lại có lòng thương dân nên ông Nguyễn Sinh Sắc thường làm trái ý quan trên nên cuối cùng bị cách chức triệu hồi về Huế. Trước hoàn cảnh đó, Nguyễn Tất Thành phải quyết định hướng đi của mình. Trong thời gian được cha dạy dỗ, Nguyễn Tất Thành đã hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của cuộc đời là được tự do và giữ vững bản lĩnh.


Bến cảng Nhà rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

 

    Các phong trào yêu nước sôi nổi diễn ra của các nhân sĩ yêu nước, như: Phong trào Cần Vương do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo, Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, Phong trào Đông kinh nghĩa thục, phong trào cải cách của cụ Phan Chu Trinh, rồi cuộc khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo… nhưng tất cả đều không thành công. Nguyễn Tất Thành kính trọng những việc làm của các bậc tiền bối nhưng Nguyễn Tất Thành suy nghĩ để tìm con đường riêng. Nguyễn Tất Thành không theo cha về lại Huế mà đi về phía Nam. Đến Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành tạm dừng chân và nhận dạy học ở Trường Dục Thanh. Là thầy giáo, Nguyễn Tất Thành càng suy nghĩ về những thế hệ thanh thiếu niên đang lớn lên dưới mái trường và tương lai của các em. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành vừa dạy học vừa tự rèn luyện vốn tri thức của mình, đặc biệt là tiếng Pháp và tiếng Anh. Môi trường Phan Thiết và nhà trường thanh khiết, an bình nhưng đấy chỉ là điểm dừng chân. Trước mắt là nhiều thử thách nhưng cũng có thể từ đó mà nhận ra chân lý của cuộc sống. Nguyễn Tất Thành đã đi về Sài Gòn. Sài Gòn lúc này là mảnh đất thuộc quyền cai trị trực tiếp của người Pháp. Thành phố lớn, nhà cao cửa rộng, lẫn lộn người giàu sang, kẻ nghèo khổ, bất công bày ra trước mắt. Thành phố Sài Gòn, mảnh đất thực dân Pháp trực tiếp đem cái gọi là “văn minh” của Pháp quốc vào cai trị mà thực dân Pháp thường gọi là “khai hóa” nhưng đâu thấy cái gọi là “bình đẳng, bác ái, tự do”. Ở thuộc địa là thế, còn chính quốc của họ ra sao? Đông Dương là một thuộc địa còn những xứ thuộc địa khác của Pháp ở Châu Á, Châu Phi cũng chịu chung số phận như xứ sở Đông Dương thì sao?... Có thể hiểu câu hỏi được đặt ra và Nguyễn Tất Thành quyết định tìm đường cứu nước. Làm sao đến được các nước để tìm hiểu và được câu trả lời. Nhân tàu Đô Đốc Latútsơ Tơrêvin cập bến cảng Sài Gòn và chuẩn bị chuyến đi Pháp. Cơ hội đã đến với ý chí và lòng quyết tâm sang phương Tây để xem tình hình các nước như thế nào. Không có một cơ sở quen biết nào, không có tiền để thực hiện hoài bão. Tất cả chỉ dựa vào hai bàn tay. Với tên là Văn Ba, Nguyễn Tất Thành đến bến cảng gặp Đô Đốc tàu Latútsơ Tơrêvin để trình bày nguyện vọng của mình và được chấp nhận trở thành thành viên của tàu với công việc phụ bếp.

    Ngày 5/6/1911, Tàu rời cảng Sài Gòn đi Pháp quốc. Nghề phụ bếp vất vả, suốt ngày anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than” (những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch do Trần Dân Tiên kể). Nhưng Văn Ba vẫn cảm thấy vui với công việc vì đã bước đầu thực hiện được ý định của mình. Hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước đã tạo nhiều cảm xúc và gợi cho nhiều nhà thơ sáng tạo ra những ý thơ xúc động. Nhà thơ Tố Hữu, trong bài “Theo chân Bác”, đã viết:

“Từ đó Người đi …. Những bước đầu

Lênh đênh bốn biển, một con tàu

Cuộc đời sóng gió trong than bụi

Mở mắt trông quanh, màu sắc mới

Những bờ bến lạ, nước sông sâu

Á, Âu đâu cũng lòng trong đục

Vàng máu chia hai cảnh khổ giàu”.

    Nhà thơ như muốn hòa nhập với người trong cuộc bằng suy nghĩ tình cảm với người xa quê hương. Còn nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước” lại xây dựng tứ thơ trên hình bóng tương lai của đất nước mà trong hiện tại còn mờ mịt. Nhà thơ xúc động nhớ buổi ra đi:

“Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.

Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới chân tàu đâu phải sóng quê hương!

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở,

Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương!

    Bác nhớ thương nhưng đất nước, quê hương vẫn dần xa, con tàu vẫn đi về phía trước. Người đi về đâu? Trước hết là nước Pháp, xứ sở văn minh với những khẩu hiệu đẹp: “Bình đẳng - tự do - bác ái”, nhưng cũng là nước đế quốc xâm lược thuộc địa, thống trị Đông Dương.


Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

 

    Từ lúc tạm biệt quê hương xứ sở, Nguyễn Tất Thành luôn vững vàng, kiên định theo đuổi mục đích của mình. Sau chuyến đi vòng các nước Châu Phi, Nguyễn Tất Thành nhận rõ thêm tình cảnh các nước Châu Phi thuộc địa của Pháp và Anh. Không phải chỉ ở xứ Đông Dương thực dân Pháp mới đàn áp, mà bản chất của chủ nghĩa thực dân là đày đọa người dân các xứ thuộc địa. Chuyến đi vòng qua các nước Châu Phi đã giúp cho Nguyễn Tất Thành hiểu thêm nhiều về xứ sở nghèo khổ, về tình trạng bất công tràn lan trên nhiều nước. Rồi đến Pháp, đến Anh, đến Mỹ, Người làm thuê, kiếm sống để hoạt động với những mục đích cao xa hơn. Vừa đi làm, vừa đọc sách ở thư viện, học ngoại ngữ, Nguyễn Tất Thành dồn hết nghị lực của tuổi trẻ để vượt lên khó khăn. Chính trên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành đã khám phá ra biết bao điều, bên cạnh nước Pháp thường được xem là tự do, bình đẳng, bác ái là một nước Pháp thực dân. Trên mảnh đất tưởng như là thái bình cho mọi người cũng chứa đựng nhiều bất công giữa các lớp người giàu, người nghèo. Mặt khác, những xu hướng tiến bộ, phong trào cách mạng cũng sớm nẩy mầm và phát triển trên đất Pháp và Nguyễn Tất Thành đã tiếp nhận biết bao điều bổ ích.

    Tạm biệt hai nước Pháp và Anh, Nguyễn Tất Thành đến Liên Xô, đất nước Người mơ ước, nơi đang thực hiện những chuẩn mực và chân lý của quyền con người. Chính trên đất nước Lênin, Nguyễn Tất Thành đã học tập và củng cố vốn tri thức và lý luận cách mạng, tiếp xúc và tham gia vào nhiều đoàn thể cách mạng của phong trào cộng sản quốc tế. Từ Liên Xô, Nguyễn Tất Thành sang Trung Quốc, quốc gia cận kề với Tổ quốc Việt Nam để có thể trực tiếp tham gia, tiếp sức, chi viện cho phong trào cách mạng trong nước. Pháp và Trung Quốc là hai nơi Nguyễn Tất Thành ở lại lâu nhất, tham gia vào nhiều hoạt động cách mạng, nơi Nguyễn Tất Thành thực sự trưởng thành và tỏa sáng, nơi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trở thành người lãnh đạo cách mạng Việt Nam phát triển trong nhiều hoàn cảnh và tình thế khác nhau.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Người đã ra đi tìm đường cứu nước ở tuổi 21, đến nay đã tròn 110 năm. Người đã để lại một sự nghiệp lớn lao góp phần đưa đất nước Việt Nam từ vòng nô lệ trở thành dân tộc độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Người đã thực hiện được ý nguyện làm sao cho đất nước độc lập, tự do, nhân dân được no ấm, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh mãi mãi là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam; mãi mãi tỏa sáng; mãi mãi là mạch nguồn cho sự sáng tạo cách mạng ngày nay. Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng và sự nghiệp của Người là hết sức cần thiết, nhất là khi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 47
  • Hôm nay: 6397
  • Trong tuần: 77,104
  • Tất cả: 11,800,424